(Người Thành Thị – Cosmolife.vn) Tối 9/5/2025, triển lãm cá nhân Sắc và Không của họa sĩ Trần Trung Lĩnh chính thức khai mạc tại Chillala – House of Art, không gian nghệ thuật mới toanh tại Phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. HCM. Triển lãm đánh dấu sự trở lại của một tên tuổi đặc biệt trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam, đồng thời là sự kiện mở màn cho một không gian triển lãm chuyên nghiệp, được kỳ vọng trở thành điểm hẹn mới cho giới yêu nghệ thuật Sài Gòn.
Một bản thiền bằng hội họa
Sau những cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng cùng Hậu ấn tượng (Van Gogh in Saigon) hay Pop Art (HAHAHA), Trần Trung Lĩnh lần này chọn một hướng đi hoàn toàn khác – một cuộc hành hương vào nội giới. Sắc và Không không chỉ là một triển lãm tranh, mà là một hành trình thiền thị giác – nơi sắc độ, hình ảnh và không gian được sử dụng như công cụ biểu đạt cho sự chuyển hóa của tâm thức.
Lấy cảm hứng từ triết lý “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” trong Bát Nhã Tâm Kinh, triển lãm dẫn dắt người xem đi qua các tầng lớp cảm xúc – từ cái thấy đến cái hiểu, từ cái rực rỡ của hiện tượng đến sự tĩnh lặng của bản chất. Những bức tranh đầu tiên trong triển lãm bùng nổ sắc màu, hình ảnh sống động, như giai đoạn “vô minh” – nơi con người bị cuốn vào vòng xoáy của hình tướng và dục vọng. Nhưng càng đi sâu, sắc độ nhạt dần, hình ảnh tối giản hơn, để rồi kết thúc bằng những mảng đen trắng – biểu tượng cho “tuệ giác”, nơi tâm thức buông bỏ phân biệt để hòa nhập vào cái toàn thể.
Theo tư tưởng Phật giáo, sắc (色) và không (空) không phải là hai thực thể đối lập mà là hai mặt của cùng một bản chất. “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, câu chú niệm được định hình qua từng lớp màu, từng nhát cọ của Trần Trung Lĩnh.
Sắc và Không không hướng đến sự khoe kỹ thuật hay gây choáng ngợp thị giác, mà mời gọi người xem dừng lại, lắng nghe sự tĩnh tại nơi mỗi mảng màu. Đó không phải là cái “trống rỗng” vô hồn, mà là cái “đầy tròn” của nhận thức – nơi cái đẹp được cảm bằng tâm.
Sự đồng điệu của một cuộc gặp gỡ
Không gian triển lãm Chillala – House of Art cũng là một yếu tố quan trọng làm nên tinh thần đặc biệt của sự kiện lần này. Với tổng diện tích hơn 1.000m², thiết kế mở lấy cảm hứng từ thiên nhiên, Chillala không chỉ là một gallery trưng bày, mà là một “ngôi nhà của nghệ thuật”, nơi người nghệ sĩ và người thưởng lãm có thể gặp nhau bằng ngôn ngữ tinh thần.
Họa sĩ Trần Trung Lĩnh và nhà sáng lập không gian mỹ thuật Chillala – House of Art Tăng Bảo Quyên tại khai mạc triển lãm
Trong phần phát biểu khai mạc, diễn viên – doanh nhân Tăng Bảo Quyên, nhà sáng lập Chillala, đã chia sẻ chân thành về hành trình thai nghén không gian này, cũng như cơ duyên đặc biệt dẫn đến cuộc triển lãm của Trần Trung Lĩnh:
“Nhiều người hỏi vì sao tôi và anh Landon – chồng tôi – lại mở thêm một dự án nghệ thuật như Chillala, khi công việc và gia đình đã đủ đầy. Câu trả lời rất giản dị: vì chúng tôi yêu nghệ thuật, và vì chúng tôi tin rằng nghệ thuật cần một mái nhà đúng nghĩa để nương náu và lan tỏa.
Vài năm trước, chúng tôi bắt đầu sưu tầm tranh, trong đó có những tác phẩm của anh Trần Trung Lĩnh. Chúng tôi học cách ‘cảm’ và trân trọng những sáng tạo đầy đam mê và cá tính như thế. Nhưng đáng tiếc, nghệ thuật ở Việt Nam vẫn thiếu những không gian chuyên nghiệp để tác phẩm thật sự được thăng hoa.
Trong một chuyến đi châu Âu, tôi thấy trẻ em ở đó được cha mẹ dẫn đi xem triển lãm như một phần tự nhiên của đời sống. Và tôi nghĩ: vì sao trẻ em Việt Nam lại không thể có cơ hội đó? Chillala ra đời từ giấc mơ ấy – nơi nghệ thuật là một phần của đời sống, chứ không chỉ là món xa xỉ trong các gallery ‘ngắm cho vui’.
Càng đặc biệt hơn khi bộ sưu tập Sắc và Không của anh Lĩnh ra đời đúng thời điểm Chillala chuẩn bị khai trương. Một cuộc gặp đúng lúc, đúng người, đúng tác phẩm – như một duyên lành. Chúng tôi không thể hình dung một triển lãm mở màn nào ý nghĩa hơn thế cho Chillala.”
Hành trình từ hội họa đến tâm linh
Trần Trung Lĩnh là cái tên không xa lạ trong giới mỹ thuật Việt Nam. Sinh năm 1977 tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2001, anh là nghệ sĩ có khả năng biến hóa đa dạng qua nhiều trường phái – từ biểu hiện, pop art đến trừu tượng – và từng triển lãm tại Việt Nam, Bali, Amsterdam. Sau năm 2013, anh tạm ngừng trưng bày để dành thời gian cho các dự án dài hơi, trong đó có loạt tranh mất 7–8 năm mới hoàn thành. Anh cũng hoạt động trong điện ảnh với vai trò đạo diễn, biên kịch và họa sĩ thiết kế.
Chân dung hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh
Sắc và Không đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hành trình nghệ thuật của anh: từ mô tả thế giới bên ngoài đến phản chiếu thế giới nội tâm. Nếu như trước đây, tác phẩm của anh bùng nổ tính biểu hiện, thì lần này, sự tĩnh lặng và giản lược trở thành phương tiện biểu đạt mới – nơi một nét vẽ, một khoảng trống cũng có thể gợi nên tầng tầng lớp lớp suy tưởng.
“Tôi muốn người xem không chỉ ‘nhìn’ tranh, mà ‘cảm’ tranh. Cảm được sự tan biến của sắc màu như chính những bám chấp trong đời sống đang dần được buông bỏ,” Trần Trung Lĩnh chia sẻ trong phần giao lưu cuối buổi khai mạc.
Không gian cho nghệ thuật sống
Không chỉ là nơi trưng bày tác phẩm, Chillala còn là nơi kết nối sáng tạo đa ngành – từ mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ đến thiết kế nội thất. Với triết lý “nghệ thuật không giới hạn”, từng góc nhỏ tại đây đều được chăm chút như một phần của câu chuyện tổng thể. Chillala cũng hướng tới việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và gia đình, để nuôi dưỡng một đời sống tinh thần phong phú và nhân văn hơn.
Diễn viên điện ảnh Trương Ngọc Ánh cùng các khách mời tại khai mạc triển lãm
Triển lãm Sắc và Không sẽ kéo dài đến ngày 8/6/2025. Trong suốt một tháng trưng bày, Chillala sẽ tổ chức các buổi trò chuyện nghệ thuật, dẫn tour triển lãm, workshop sáng tạo dành cho trẻ em và các buổi kết nối dành cho nhà sưu tầm và giới chuyên môn.
Publish: Người Thành Thị – Cosmolife.vn | Source: Chilala – House of Art